Căn hộ chung cư là một loại hình nhà ở rất phổ biến hiện nay. Vấn đề rủi ro từ việc vận hành, cháy nổ nhà chung cư ngày càng tăng cao trong những năm gần đây. Chính vì thế, có một loại hình bảo hiểm có tên gọi là “bảo hiểm cháy nổ căn hộ chung cư” ra đời. Tuy nhiên, nó có bắt buộc đối với chủ sở hữu nhà chung cư không và pháp luật quy định như thế nào? Cùng Minh Tuấn Land tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây.
Cư dân có bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ căn hộ chung cư?
Nghị định 23/2018/NĐ-CP đã đưa ra bộ nguyên tắc về vấn đề tham gia bảo hiểm cháy nổ với các nhóm đối tượng được liệt kê theo Phụ lục II Nghị định 79/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy. Trong đó có đối tượng là nhà chung cư; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thuộc Danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, do đó sẽ phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Vậy nhà chung cư thuộc danh mục nhà ở bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.
Đối tượng nào cần mua bảo hiểm cháy nổ căn hộ chung cư?
Khi mua bảo hiểm cháy nổ cho nhà chung cư là bắt buộc thì câu hỏi đặt ra là người mua nhà phải đóng hay chủ sở hữu đầu tư dự án phải đóng?
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 11 Luật Nhà ở 2014 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở như sau: “Đóng bảo hiểm cháy, nổ đối với nhà ở thuộc diện bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm;”
Như vậy, nếu dự án chung cư đó vẫn thuộc quyền sở hữu của chủ đầu tư thì trách nhiệm đóng bảo hiểm bắt buộc sẽ thuộc về phía chủ đầu tư. Ngược lại, nếu người mua chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đã đi vào hoạt động thì cư dân sẽ có trách nhiệm phải mua bảo hiểm cháy nổ phần nhà chung cư đã mua.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng từng căn hộ thì không cần phải đóng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và việc đóng bảo hiểm cho toàn bộ tòa nhà chung cư thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư nên số người tham gia đóng bảo hiểm cháy nổ nhà chung cư chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Xử lý các vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc
Theo Điều 46 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, pháp luật cũng quy định mức phạt đối với vấn đề vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc sẽ được xử lý như sau:
– Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.
– Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định.
- Mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành.
- Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không tách riêng hợp đồng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm trọn gói theo quy định;
- Không trích nộp phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc để đóng góp kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định.
Lưu ý, căn cứ vào khoản 2 Điều 4 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền nêu trên là áp dụng đối với cá nhân vi phạm; trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần mức nêu trên.
Mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là bao nhiêu?
Căn cứ vào Khoản 9, Phụ lục II Nghị định 23/2018/NĐ-CP, mức phí bảo hiểm cháy, nổ mỗi năm được quy định như sau:
- Nhà chung cư có hệ thống chữa cháy tự động (springkler), nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ là 0.05%
- Nhà chung cư không có hệ thống chữa cháy tự động (springkler) là 0.1%.
Lưu ý: số tiền bảo hiểm tối thiểu (mức phí bảo hiểm này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Như vậy bài viết trên đây Minh Tuấn Land đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc về bảo hiểm cháy nổ căn hộ chung cư. Bài viết chỉ có giá trị tham khảo, để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi. Minh Tuấn Land cam kết sẽ hỗ trợ, tư vấn cho các bạn chi tiết và cụ thể nhất.
Bài viết cùng chuyên mục